Uncategorized

Hướng dẫn setup bể nuôi cá Ali

Hướng dẫn setup bể cá Ali

Giới thiệu về giống cá Ali

  • Ali thuộc họ cichlid, khái niệm “cá ali” là để chỉ các loại cá thuộc họ cichlid (cá mọi người thường nuôi chủ yếu ở 2 hồ chính Malawi và Tanganyika thuộc Afican), có body thuôn dài, đầm, kích thước tối đa trong bể nuôi khoảng 10-15cm.
  • Cá ali thích nước cứng, pH cao, khí hậu nhiệt đới…
  • Cá có tính lãnh thổ và thích có nơi cư trú.
  • Cá khoẻ mạnh, dễ nuôi, dễ thích nghi với các loại thức ăn khác nhau.
  • Dễ sinh sản, hầu hết nuôi con bằng miệng.

Bể và chân

Cá ali không giống như betta – có thể làm mê đắm người xem dù ở trơ trọi trong một cái lọ thuỷ tinh. Những thời điểm sinh động nhất của cá ali là khi nó bơi lội, rượt đuổi nhau ở gần với các đồ vật trang trí làm nền trong bể.
Do vậy, với cùng một thể tích nước, các bạn cần cân đối các chiều với nhau, đặc biệt là chiều cao. Lấy ví dụ một trường hợp cụ thể, với kích thước ba chiều là 100x40x60, nếu là CxDxR thì rõ ràng không phù hợp, vì cá không có nhiều không gian để đuổi nhau (trừ những lúc hiếm hoi nó bơi dọc – bọn nó chủ yếu bơi ngang), hơn nữa trừ khi bạn tìm ra đc giải pháp khả thi để sắp xếp nền và đồ vật trang trí (đá, lũa…), thì trong phần lớn thể tích nước cá sẽ bơi mà không có đồ vật trang trí ở quanh đó (kiểu như nuôi cá biển mà không có san hô đi kèm vậy). Cũng với kích thước đó, nếu là DxRxC thì khá hơn, bể bạn có đủ chiều dài cho cá rượt đuổi nhau. Nhưng cũng đừng quên xem xét khả năng tuyệt vời hơn là DxCxR, khi đó bể bạn có độ dài, tăng chiều sâu và độ cao thì cũng vừa phải để bạn có thể setup đồ trang trí.. Giống như khi nuôi thần tiên Ai Cập, chúng ta với chú ý tới độ cao mực nước, thì với ali, hãy quan tâm nhiều hơn đến chiều dài và chiều rộng, còn chiều cao thì vừa phải thôi là được..
Do bể nuôi ali thường có xếp đá, lũa… nên các bạn cũng lưu ý về sự chắc chắn của bể để đảm bảo an toàn trong quá trình chơi. Kiềng cũng phải làm chắc chắn, nhất là khi bạn dự định sử dụng lọc tràn trên.
Cá ali đẹp nhất khi nhìn ngang, và cũng ở hướng nhìn này thì mới thấy được vẻ đẹp của đồ trang trí xếp bên trong. Do vậy bạn nên có một chân bể vừa tầm, đảm bảo bạn có thể ngắm cá thật lâu mà không bị tê chân và cũng không mỏi cổ. Tốt nhất là thấp hơn tầm mắt từ vị trí ngồi quan sát một chút là được, và nếu thành bể thấp hơn vai thì sẽ tiện cho cả quá trình setup và bảo trì sau này.

Lọc

Cá ali là loại cá phàm ăn, cũng may hệ tiêu hoá tốt nên làm việc cũng khá kĩ kể cả khi đc cho ăn nhiều. Hệ thống lọc nên có sự đầu tư tương đối, lọc hộp nhựa một ngăn không bao giờ là đủ. Ít nhất hãy cố gắng làm một cái lọc tràn trên (mình cũng đang dùng lọc tràn trên), xịn hơn càng tốt. Vật liệu lọc sử dụng luôn san hô nếu được để giữ pH cao.
Cá ali không thích luồng nước quá mạnh, hãy cố gắng tìm cách xử lý luồng nước vào bể cho nhẹ nhàng bớt. Đối với đầu hút, chú ý setup khéo léo trường hợp bạn trải nền là cát.

Phông

Phông nền thường chọn phông đồng nhất một màu (mình thì chọn màu đen). Đừng chọn màu nào quá chói (đỏ, cam, vàng chanh), khi ngắm cá sẽ có cảm giác nhức mắt. Cũng không nên chọn phông phong cảnh quá phức tạp (dải san hô), cá sẽ bị lẫn vào phông nền, giảm bớt sự thích thú khi quan sát. Ngoài ra nếu tìm được những phông theo kiểu 3D và phù hợp với đồ vật trang trí trong bể của bạn thì cũng rất đẹp, cái này cũng kì công đấy.. Các bạn có thể thử nghiệm một số màu khác, nếu có kết quả tốt thì chia sẻ cùng mọi người nhé..

Nền

Cá ali đào nền rất ghê, chính vì vậy mà ta… càng cần có nền để được chứng kiến những hành vi thú vị này. Nền có thể là cát, sỏi, v.v… nhưng cần phải lưu ý kích thước. Kích thước tối đa không nên to quá mồm của cá, đơn giản vì thông thường cá đào nền bằng cách ngậm vào và thổi ra chỗ khác, to quá nó vẫn ủi đc nhưng vất vả hơn. Kích thước tối thiểu thì nói chung không giới hạn, miễn sao đừng quá nhẹ sẽ dễ bị hút lên lọc. Lưu ý nền càng nhỏ, càng khít thì càng đỡ được hiện tượng chất bẩn lọt xuống và lưu cữu bên dưới.
Màu của nền cũng ảnh hưởng đến màu của cá. Màu sáng khiến cho màu của cá có cảm giác bị bợt đi (khi lên ảnh cũng vậy), màu tối giúp màu của cá sặc sỡ hơn. Tuy nhiên nêu không quan tâm quá nhiều đến việc chụp ảnh, bạn nên chọn màu sao cho tương phản với màu của đại đa số cá trong bể, lúc đó nhìn cá sẽ nổi bật trên màu nền (như mình thích ali màu sậm, nên mình chọn nền trắng). Cũng như phông, theo mình không nên chọn các loại nền quá nhiều màu như sỏi ba màu, nhìn cá không được nổi bật.
Có một lưu ý nhỏ nhỏ là trước khi rải nền các bạn nên có vật liệu lót ở dưới, lý do cụ thể vui lòng đọc đoạn tiếp theo.

Đồ vật trang trí

Cá ali sống trong nước cứng, độ pH tương đối cao. Do vậy vật trang trí phù hợp nhất vẫn là đá, và cũng phù hợp với môi trường tự nhiên của nó (mặc dù ali chúng ta nuôi đều là lai tạo chứ không có con nào bắt từ ngoài hồ cả, nên bọn nó ko biết cảm giác nhớ nhà là gì :D). Lũa cũng có khi được sử dụng vì đặc tính tạo nhiều hang hốc và nhẹ, nhưng lũa có thể làm giảm pH (do tiết ra axit hoà tan trong nước). Đá và lũa cũng chính là hai loại đồ trang trí phổ biến nhất trong bể ali.
Khi trang trí, nên chọn một phong cách thống nhất, thể hiện qua tính chất của đồ vật trang trí đó. Ví dụ bạn chọn đá, thì bạn chỉ nên giới hạn số lượng đá trong bể, đừng nên quá tạp nham. Hình dung trong một bể vừa có mấy khối san hô to (mô phỏng đáy đại dương), vừa có mấy hòn đá cuội (mô phỏng cảnh suối), lại thêm lởm chởm đá tai mèo, đá tiger (núi non trùng điệp – kinh đây), v.v… thì nhìn rất mất phong cách :D.. Do vậy hãy cố gắng thống nhất phong cách của mình.
Tuy nhiên lưu ý một điều là cá ali rượt đuổi, chui rúc, liếc mình trên bề mặt khác rất nhiều, nên nếu khối đá san hô quá gai góc thì có thể làm cá bị trầy xước khi bơi lội hoặc khi gặm rêu, từ đó dễ bị nấm.
Ngoài ra có một số đồ vật trang trí khác có thể sử dụng trong bể ali như rọ lan, ống PVC, v.v… các loại này cũng phù hợp để cá có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, để đảm bảo sự đồng nhất và tính tự nhiên trong bể, nên hạn chế việc sử dụng các loại này, nếu sử dụng cũng nên có biện pháp nguỵ trang, trang trí cho khéo léo..
Còn các loại đồ vật trang trí như cá nhựa, chùa chiền. cây giả, v.v… thì theo mình là không nên cho vào, trông không được tự nhiên
Ngoài ra có một loại đồ trang trí đặc biệt, đó là phông nền khối dạng 3D. Nhìn cũng rất tuyệt vời, lúc đó nó không còn là phông nền nữa mà trở thành một phần của đồ vật trang trí rồi. Tuy nhiên nếu bạn không cực kì khéo tay để có thể tự chế được thì chi phí phải bỏ ra mua sẽ rất đắt, mà thông thường là để sử dụng trong các bể có kích thước khá lớn. Còn nếu bạn có hoa tay thì hãy thử làm một vài mẫu, nếu thực sự đẹp thì khả năng bạn hốt bạc là khá cao đấy.
Một kinh nghiệm là bạn nên tích luỹ một số set trang trí nhất định. Có thể hiện tại bạn đang set cảnh biển, nhưng hãy cứ tích luỹ những viên đá cuội đẹp mà bạn bắt gặp, và khi bạn muốn thay đổi không khí thì bạn đã có sẵn nguyên liệu để chuyển thành cảnh suối rồi..
Khi đặt đồ vật trang trí, chúng ta lưu ý không đặt lên trên lớp nền (cát, sỏi…), vì cá đào nền sẽ làm sụt nền, đồ vật trang trí sẽ bị nghiêng, đổ, từ đó làm thay đổi cảnh quan mà mình định thiết kế, nghiêm trọng hơn là đè chết cá, làm nứt, vỡ bể.. Do vậy thực tế mình luôn xếp đá theo ý tưởng trước rồi mới rải cát, thậm chí một số trường hợp cẩn thận thì mình đặt đá trước, rồi lấy đá nhỏ, san hô nhỏ ke vào chân đá cho kĩ rồi mới rải cát cuối cùng. Trong bài này thì do nền có vị trí thấp hơn đồ trang trí nên mình viết về nền trước, các bạn nhớ thao tác ngược lại khi setup nha :)..
Đối với những loại đồ vật trang trí nặng như đá lớn, cũng không nên đặt trực tiếp lên đáy bể mà nên có lớp lót để phân tán lực ra cho đều. Lớp lót này cũng nên chọn màu sao cho dễ nguỵ trang, vì trong quá trình nuôi thì trường hợp cá đào đến lộ cả lớp lót này là khá nhiều

Việc đặt đồ vật trang trí cũng nên tuân theo một số quy tắc: sự thông thoáng của luồng nước, tạo chỗ cho cá trú ẩn, sự chắc chắn, sự tự nhiên và nghệ thuật… Nếu các bạn thỉnh thoảng đọc sách báo về nhiếp ảnh, hẳn đã biết quy tắc điểm vàng hoặc còn gọi là quy tắc 1/3. Khi sắp xếp đồ vật trang trí cũng có thể áp dụng quy tắc cơ bản này, phần điểm nhấn nên nằm ở giao điểm của 2 đường 1/3. Thông thường khi mình trang trí, mức cao nhất của đồ vật cũng nên cao bằng 2/3 mức nước.
Một lỗi khá phổ biến trong khi xếp bố cục (mà cái này dễ gặp trong bể ali của nhiều bạn đã post lên) là phong cách cào bằng. Ví dụ các bạn biết ali thích hang hốc, nên các bạn xếp 4 cái hang theo chiều dài của bể. Biết ali thích cầu chui, các bạn xếp 5 cái cầu chui cách đều nhau. Có hai hòn đá tương đương nhau, các bạn xếp đối xứng mỗi bên một hòn, v.v… Những cách sắp xếp đó nhiều khi các bạn đang say sưa nên không thấy có vấn đề, nhưng khi người khác nhìn vào sẽ thấy nó thiếu tự nhiên

Đèn

Đèn sẽ giúp chúng ta hoàn thiện nốt phần cơ sở hạ tầng để chờ thả cá. Đối với cá ali, vai trò của ánh sáng trong quá trình sinh trưởng không quan trọng tuyệt đối như quá trình lên màu của cá rồng hay quá trình phát triển của cây thuỷ sinh, nên thông thường mình chọn đèn để tăng thêm vẻ đẹp của bể cá là chủ yếu.
Để dễ kết hợp các màu sắc, nên dùng ít nhất 2 bóng đèn. Mình thường dùng xanh và trắng (trắng bên trong để sáng bể, xanh bên ngoài tạo cảm giác về màu). Đối với màu xanh có loại đèn actinic blue trông ánh sáng rất lung linh (miêu tả rất khó, bạn cứ ra cửa hàng nói nó chỉ cho mấy loại màu xanh thì sẽ thấy sự khác biệt) – tuy nhiên giá cả cũng cao hơn chút. Một số tài liệu nói rằng nên kết hợp xanh và tím/hồng vì như vậy cá sẽ nổi bật còn bể sẽ có độ sâu, nhưng vụ này mình chưa thử, để bao giờ xin đc bóng tím/hồng thì sẽ thử xem sao..
Khi để đèn các bạn cũng nên tính đến sự thuận tiện về sau. Nếu bể nào chiều rộng không lớn, vừa sử dụng lọc tràn trên, vừa để đèn trên giằng thì cũng chật chội đấy, khi cho ăn hoặc bắt/thả cá cũng hơi bực mình một tí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *